Những miếng sữa đầu tiên mình cho chồng uống khi vừa tỉnh dậy, nịnh từng thìa, động viên anh cố uống thêm chút xíu nữa thôi cho nhanh khỏe lại là sữa giả, BTV kể.
Liên quan đến vụ triệt phá đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả đang gây phẫn nộ lớn trong dư luận, trong số các nạn nhân của đường dây này có BTV Thu Hà.
Mới đây trên trang cá nhân, Thu Hà chia sẻ việc đã cho chồng uống phải sữa giả ngay sau khi anh vừa phẫu thuật não xong.
Theo lời Thu Hà, cuối năm 2024, chồng của cô gặp tai nạn trong lúc đạp xe thể dục và bị chấn thương sọ não, buộc phải phẫu thuật để xử lý vết tụ máu và vết nứt sọ. May mắn, chồng của Thu Hà hiện đã hồi phục phần lớn và không để lại nhiều di chứng.

BTV Thu Hà ngỡ ngàng vì đã cho chồng uống phải sữa giả sau khi phẫu thuật.
Hành trình chăm chồng ốm suốt 1 tháng của Thu Hà đáng lẽ sẽ không có gì đáng tiếc nếu như hôm nay, cô phát hiện ra: "Những miếng sữa đầu tiên mình cho chồng uống khi vừa tỉnh dậy, nịnh từng thìa, động viên "anh cố uống thêm chút xíu nữa thôi cho nhanh khỏe" lại là sữa giả, bán nhan nhản ở các cổng viện".
Nữ BTV chia sẻ, xưa nay cô rất cẩn thận, nếu sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, thương hiệu uy tín, lâu đời thì sẽ không bao giờ sử dụng, từ mỹ phẩm, đồ ăn, đồ dùng chứ đừng nói đến những thứ nhạy cảm như sữa bột cho mẹ bầu, em bé hay người ốm.


Loại sữa Thu Hà cho chồng uống có tên trong danh mục cơ quan chức năng công bố là sữa giả.
Thế nhưng lần này, vì một lúc rối loạn khi gia đình gặp biến cố lớn, không có thời gian tra cứu nguồn gốc rõ ràng, vì mất tự tin không biết đâu là thứ tốt nhất để dành cho người cần bữa ăn thay thế sau phẫu thuật; vì một chút tin người khi nghĩ rằng những người ở bệnh viện là những người hiểu rõ nhất bệnh nhân cần gì,… mà Thu Hà đã cho chồng uống phải hàng giả lúc vừa trải qua cơn hôn mê mấy ngày trời.
Rất may, ông xã của Thu Hà chỉ dùng sữa có 1-2 ngày, uống khoảng 5-6 cốc, sau đó, gia đình cô được bác sĩ khuyến cáo nên cho bệnh nhân ăn bình thường. Nếu việc dùng sữa giả kéo dài, Thu Hà không biết sẽ có thể xảy ra chuyện gì với chồng.
Nữ BTV xinh đẹp bày tỏ nỗi đau đáu khi "còn biết bao bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, cũng như nhà mình, cứ nghĩ đang cố làm những thứ tốt nhất cho người thân, gia đình, nhưng thực ra lại đang đưa vào cơ thể những người yếu đuối nhất, cần được chăm sóc nhất, người già, người bệnh, mẹ bầu, trẻ em những thứ… không ai biết là thứ gì".

BTV Thu Hà.
Chia sẻ của Thu Hà đã khiến nhiều người càng thêm bức xúc, dư luận mong những kẻ phạm tội sớm phải chịu hình phạt thích đáng của pháp luật.
Được biết, loại sữa mà Thu Hà cho chồng uống là NitroGen, Công ty CP dược quốc tế Rance Pharma. Nhãn hiệu sữa này có tên trong danh mục cơ quan chức năng công bố là sữa giả, theo nguồn tin trên VietNamNet.
Ngày 12/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn. Cơ quan CSĐT khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng chủ mưu cầm đầu đường dây nói trên cùng 6 bị can khác về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo kết quả điều tra bước đầu của cơ quan Công an xác định từ tháng 8/2021, nắm bắt được nhu cầu gia tăng của các sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng dạng bột (gọi chung là sữa bột) tại thị trường trong nước, nhóm đối tượng do Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà chủ mưu cầm đầu thành lập doanh nghiệp Công ty Rance Pharma (địa chỉ tại khu nhà ở Him Lam, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) và Công ty Hacofood Group (địa chỉ tại LK52-10, Khu đô thị mới Phú Lương, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội) để trực tiếp tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả.
Dường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại, trong đó có nhiều loại sữa được quảng cáo dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai với các thành phần công bố trên sản phẩm như: Chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... nhưng trên thực tế, trong các sản phẩm hoàn toàn không có những chất này. Thay vào đó, các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia.
Cơ quan công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.
Các đối tượng còn lập ra 9 công ty với mục đích để đứng tên hồ sơ công bố các dòng sản phẩm (nhãn thương hiệu sản phẩm) và trực tiếp kinh doanh, phân phối tiêu thụ các sản phẩm. Các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường trong suốt 4 năm qua, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng.