Tôi ám ảnh vì dòng chữ nhắc Nộp tiền học được viết trên tay đứa trẻ: Thay vì tiện lợi, xin hãy chọn lòng tôn trọng!

Có thể đó chỉ là một cách nhắc nhanh để bố mẹ không quên. Nhưng trẻ nhỏ không phải là “bản tin di động”.

Hôm nay, tôi tình cờ nhìn thấy một bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội. Một cánh tay bé xíu, với dòng chữ viết bằng bút bi: “nộp tiền học”. Người đăng ảnh chia sẻ rằng đây là con cháu của họ, vừa từ trường mầm non về với lời nhắn nhủ từ cô giáo... viết thẳng lên tay.

Tôi không rõ câu chuyện thực hư ra sao. Có thể đúng, cũng có thể là một sự hiểu lầm nào đó. Nhưng điều kỳ lạ là, chỉ một hình ảnh bé nhỏ ấy thôi, lại khiến lòng tôi dậy sóng. Và tôi nhớ lại một chuyện cũ – một kỷ niệm buồn thời còn là một đứa trẻ ngồi trong lớp học.

Bức ảnh khiến mạng xã hội và cả lòng tôi dậy sóng

Năm đó tôi học lớp 3. Trong một buổi sáng tưởng như bình thường, cô giáo đứng trước lớp và đọc to danh sách những bạn chưa nộp tiền học phí. Tôi còn nhớ như in tiếng tên mình vang lên, rõ ràng và chậm rãi. Bạn bè quay sang nhìn tôi. Có người cười. Có người xì xào. Tôi cúi gằm mặt, không biết giấu sự xấu hổ vào đâu. Mấy ngày sau, tôi rụt rè nhét phong bì vào tay cô, rồi chạy thật nhanh ra khỏi lớp. Từ đó, mỗi kỳ đóng tiền, tôi đều thấp thỏm sợ bị gọi tên trước lớp – một nỗi sợ chẳng ai từng để ý, nhưng với tôi, nó như một cái bóng dài ám ảnh suốt tuổi học trò.

Nỗi nhớ ấy ùa về khi tôi nhìn thấy dòng chữ trên tay đứa bé kia. Tôi tự hỏi: Tại sao lại chọn cách đó? Tại sao những chuyện nhạy cảm như tiền học – một điều tưởng nhỏ – lại phải in dấu lên cơ thể và tâm trí con trẻ?

Tôi không nghi ngờ thiện ý của cô giáo. Có thể đó chỉ là một cách nhắc nhanh để bố mẹ không quên. Nhưng trẻ nhỏ không phải là “bản tin di động”. Các em xứng đáng được bảo vệ khỏi những hình thức giao tiếp có thể vô tình làm tổn thương lòng tự trọng non nớt.

Trong môi trường giáo dục – đặc biệt là với lứa tuổi mầm non – từng hành vi, từng lời nói của người lớn có thể khắc sâu vào tâm trí trẻ. Một lời la mắng, một hành động tưởng như vô hại cũng có thể trở thành vết hằn dài lâu. Càng nhạy cảm với điều này bao nhiêu, chúng ta càng giúp các em lớn lên với tâm hồn lành mạnh bấy nhiêu.

Tôi mong rằng, thay vì viết lên tay trẻ, hãy gửi một mẩu giấy nhỏ, một tin nhắn điện tử, hoặc đơn giản là một lời trao đổi khi phụ huynh đến đón con. Bởi giữa sự tiện lợi và lòng tôn trọng, xin hãy chọn lòng tôn trọng.

Và cũng xin hãy nhớ, đằng sau những dòng chữ là cả một tuổi thơ – xin đừng để nó phải mang vết mực khó phai.

Hãy tạo ra một cộng đồng lành mạnh và chia sẻ kiến thức với nhau nhé.

Thông Báo Mới