Quá khứ về chiếc Galaxy Note 7 phát nổ của Samsung dường như đã khiến S25 Edge siêu mỏng không thể trở thành chiếc điện thoại mang tính cách mạng mà đáng lẽ ra nó có thể trở thành.
Không hài lòng với những chiếc flagship mạnh mẽ và những chiếc điện thoại màn hình gập hào nhoáng, Samsung hiện có một món đồ chơi mới dành cho những người có thu nhập cao — Galaxy S25 Edge siêu mỏng.
Nhưng theo chuyên gia đánh giá sản phẩm Robert Triggs của trang Android Authority, nỗi sợ hãi trong quá khứ về chiếc Galaxy Note 7 phát nổ của Samsung dường như đã khiến Edge không thể trở thành chiếc điện thoại mang tính cách mạng mà đáng lẽ ra nó có thể trở thành.
Trông đẹp đấy nhưng pin ra sao?
Galaxy S25 Edge có một vài điểm yếu, nhưng vấn đề nghiêm trọng nhất chắc chắn đến từ viên pin nhỏ. Với dung lượng 3.900mAh, pin của máy yếu hơn một chút so với Galaxy S25 nhưng lại có màn hình cần phải gánh to bằng với mẫu S25 Plus.
Về cơ bản, thời lượng pin của điện thoại Samsung không tệ, nhưng cũng không phải là quá cao, và nhà sản xuất chỉ có thể tối ưu được pin ở một mức độ nào đó.

Galaxy S25 Edge.
Khi so sánh với Galaxy A36 5G tuy dày và hiệu năng thấp hơn, nhưng trang bị pin 5.000mAh, với thời gian sử dụng màn hình khoảng 5 tiếng trước khi cần sạc - bạn sẽ cảm thấy lo lắng khi thấy S25 Edge dù đắt tiền hơn nhưng sẽ không phù hợp với lối sống làm việc/giải trí bận rộn.
Ngay cả Samsung cũng thừa nhận chiếc điện thoại siêu mỏng này sẽ dùng được lâu hơn một chút so với Galaxy S24 nhưng ít hơn S25, nghĩa là phải sạc hàng ngày trong thời đại mà các điện thoại hàng đầu 6,7 inch của các đối thủ có thể sử dụng liên tục trong hai ngày.
Và đó là còn chưa nói đến tình trạng pin suy giảm sau vài năm sạc. S25 Edge có thể dùng đến tận khi đi ngủ lúc mới mua về, nhưng sẽ hết pin vào bữa tối sau vài năm sử dụng.
Samsung hẳn đã thấy trước điều này. Tuổi thọ pin đứng đầu danh sách những ưu tiên lớn nhất của người dùng. Yếu tố này liên tục đứng đầu các cuộc thăm dò của Android Authority cùng với camera.
Chắc chắn bộ phận R&D của Samsung có thể thấy trước những câu hỏi đầu tiên mà bất kỳ ai sẽ hỏi về Edge khi ra mắt: "Trông đẹp đấy, nhưng một chiếc điện thoại mỏng như vậy có dùng được cả ngày không?" Chỉ cần liếc qua bảng thông số kỹ thuật là đủ để xác nhận rằng Edge, chỉ ở mức ổn.
Điều tệ nhất là không phải là không có giải pháp hiện đại nào cho vấn đề nói trên. Việc áp dụng pin silicon-carbon tiên tiến (giống điện thoại Trung Quốc) về mặt lý thuyết sẽ cho phép Samsung tăng thêm khoảng 10-15% dung lượng trong cùng một kích thước.

4.300mAh có thể không phải là quá lớn, nhưng trông sẽ đầy đặn hơn trong thời đại mà một số điện thoại hàng đầu gần đây đã đạt mốc 6.000mAh. Quan trọng hơn cả, thời gian sử dụng màn hình thêm 30-45 phút có thể tạo nên sự khác biệt giữa một chiếc điện thoại hết pin trước khi đi ngủ và một chiếc điện thoại vẫn lướt được một chút vào bữa sáng hôm sau.
Nỗi ám ảnh Galaxy Note 7 vẫn còn đó?
Chỉ có Samsung mới biết tại sao họ lại quyết định không áp dụng công nghệ pin silicon-carbon đã ra mắt trên các flagship năm 2025 như OnePlus 13 và Xiaomi 15 Ultra.
Bạn phải biết rằng họ là một trong những hãng đã nghiên cứu rất sâu về công nghệ dành cho điện thoại màn hình gập như thế nào, trừ khi họ thực sự không phải là gã khổng lồ sáng tạo như mọi người vẫn nghĩ.
Vậy nguyên nhân do đâu?
Samsung dường như đang chọn cách an toàn, gắn bó với công nghệ mà họ quá thấu hiểu để tránh tình trạng quá nhiệt hoặc các vấn đề bất ngờ khác khi nhồi nhét một viên pin lớn hơn vào lớp vỏ kim loại gò bó.

Nỗi sợ như vậy không phải là không có cơ sở; nhược điểm chính đối với pin silicon-carbon (Si/C) là hiện tượng phồng lên trong quá trình sạc, điều này sẽ rất dễ nhận thấy ở một chiếc điện thoại mỏng.
Việc thỏa hiệp sự đánh đổi này là lý do tại sao cho đến nay, các pin Si/C chỉ cung cấp mức tăng dung lượng khiêm tốn là 12% và cũng là lý do tại sao các điện thoại như OPPO Find X8 Pro và Xiaomi 15 Ultra có tốc độ sạc chậm hơn một chút trong năm nay.
So với mức công suất của các đối thủ, không ai nghĩ tốc độ sạc 25W chậm chạp của Samsung lại có nguy cơ làm quá nhiệt pin, nhưng không gian hạn chế của Edge có lẽ khiến điều này trở thành mối quan tâm lớn hơn bình thường.

Galaxy Note 7.
Theo Android Authority, có lẽ Edge chỉ là một chiếc điện thoại "chắp vá" các bộ phận còn thừa với nhau. Hoặc có lẽ Galaxy Note 7 cháy pin vẫn ám ảnh phòng họp của Samsung.
Dù là lý do nào, Galaxy S25 Edge không muốn rủi ro trong việc "cố quá sức", tự từ bỏ cơ hội tạo ra tác động đáng kể và thậm chí có thể định nghĩa lại cách chúng ta nghĩ về điện thoại hàng đầu hiện đại.
Với mức giá 1.100 USD, Edge luôn phù hợp cho một thị trường ngách ngay cả khi không có yếu tố hình thức khác biệt.
Nhưng trang Android Authority đặt câu hỏi, đến khi nào Samsung mới rũ bỏ chủ nghĩa bảo thủ đã đeo bám các điện thoại mới đây của hãng, gạt bỏ sự thận trọng và phấn đấu xây dựng một thứ gì đó thu hút sự chú ý không chỉ vì vẻ ngoài?

Sẽ luôn có những đánh đổi đối với điện thoại mỏng, và có thể nhiều người sẽ chấp nhận đánh đổi lấy yếu tố camera bị hao hụt. Nhưng thời lượng pin là điều duy nhất khiến bất kỳ ai cũng phải do dự trước khi nhấn nút mua.
Nếu Edge cung cấp thời gian sử dụng lâu hơn trên một chiếc điện thoại mỏng như vậy, người dùng sẽ có một cái nhìn rất khác. Và đó đáng lẽ phải là mục tiêu cần phải làm được của Samsung.
Nếu Samsung cung cấp một chiếc điện thoại siêu nhẹ với thời lượng pin mạnh mẽ, chúng ta sẽ xôn xao bàn tán về một "kỳ quan" có thể định nghĩa lại thị trường điện thoại.
Nhưng thay vào đó, Galaxy S25 Edge giống như một thiết bị "hóa trang" nhiều hơn — chỉ bóng bẩy bên ngoài, kém bền bên trong.
Có lẽ thay đổi sẽ đến vào năm sau.