Nhặt được drone mà không trả lại thì có nguy cơ bị phạt tới 02 năm tù

Bộ luật Dân sự có quy định, người nhặt được tài sản có nghĩa vụ tìm cách liên hệ với người bị mất, tìm kiếm thông tin hoặc giấy tờ liên quan để xác minh chủ sở hữu.

Liên quan đến sự cố hàng nghìn drone vào tối 30/4, một thành viên thuộc đơn vị trình diễn drone cho biết đã nhận lại được gần hết số drone bị thất lạc, tuy nhiên, đơn vị vẫn đang trong quá trình kiểm đếm lại và xác định số drone còn chưa tìm thấy.

Phía đơn vị mong người dân nhặt được drone tối 30/4 có thể gửi trả lại drone cho ban tổ chức, vì đây là sự cố ngoài ý muốn.

Sự cố hàng nghìn drone rơi

Nhặt được drone mà không trả lại thì có nguy cơ bị phạt tới 02 năm tù

Trao đổi với PV dưới góc độ pháp lý, TS.LS Đặng Văn Cường cho biết, Bộ luật Dân sự có quy định, người nhặt được tài sản có nghĩa vụ tìm cách liên hệ với người bị mất, tìm kiếm thông tin hoặc giấy tờ liên quan để xác minh chủ sở hữu.
“Nếu cố tình chiếm giữ, không trả lại tài sản, người nhặt được có thể bị xử lý hình sự về tội ‘Chiếm giữ trái phép tài sản’ theo Điều 176 Bộ luật Hình sự,” Tiến sĩ Cường cho biết.

Trường hợp xác định được chủ sở hữu tài sản, người nhặt được có trách nhiệm phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Trong trường hợp không thể xác định được thông tin liên hệ của chủ sở hữu tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, người nhặt được có trách nhiệm đem tài sản đến Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để đăng thông báo tìm kiếm chủ sở hữu.

Việc thực hiện nghĩa vụ của người tìm thấy tài sản do người khác bỏ quên, đánh rơi được quy định rất cụ thể tại Điều 230 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Cụ thể, điều luật quy định: “Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó".

Nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên, phải thông báo hoặc giao nộp tài sản cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết và nhận lại.

Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.”

Trường hợp cố tình không giao nộp, dù cơ quan chức năng đã có thông báo yêu cầu hoàn trả, người nhặt được vẫn không trả lại thì sẽ bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chiếm giữ trái phép tài sản theo Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền tài sản mà mình tìm được, bắt được hoặc bị giao nhầm, sau khi đã có yêu cầu hoàn trả, sẽ bị xử lý hình sự nếu tài sản đó:

Có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng,

Hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.

Hình phạt áp dụng có thể là:

Phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng,

Phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm,

Hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Trường hợp người phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá từ 200 triệu đồng trở lên, hoặc là bảo vật quốc gia, sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Trong trường hợp tài sản có giá trị nhỏ (dưới 10 triệu đồng) và không thuộc các nhóm đặc biệt như di vật, cổ vật, thì hành vi không trả lại sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt lên đến 5 triệu đồng. Đồng thời, người vi phạm sẽ bị:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính,

Buộc trả lại tài sản chiếm giữ trái phép.

Nếu người vi phạm là người nước ngoài, ngoài việc xử phạt hành chính, còn có thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Lưu ý: Mức xử phạt hành chính chỉ áp dụng đối với trường hợp tài sản có giá trị dưới 10 triệu đồng. Nếu tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên, hành vi cố tình chiếm giữ sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.

“Thực ra bộ luật dân sự và bộ luật hình sự quy định như vậy là rất hợp lý, các quốc gia khác cũng quy định tương tự để bảo vệ quyền sở hữu tài sản và ngăn chặn việc chiếm hữu tài sản không ngay tình”, luật sư nêu quan điểm.

Người dân nhặt được drone trả lại cho BTC

Trước đó, tối 30/4, nhiều người dân có mặt tại trung tâm TP HCM, nhất là khu vực bến Bạch Đằng (quận 1), để xem trình diễn drone. Nhưng chỉ sau vài phút bay, hàng loạt drone gặp trục trặc kỹ thuật và rơi khỏi đội hình, khiến màn trình diễn không thể tiếp tục.

Đến sáng 1/5, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM cho biết thành phố sẽ không trình diễn 10.500 thiết bị bay drone vào tối cùng ngày.

Theo kế hoạch ban đầu, tối 1-5, lúc 20 giờ 30 phút đến 20 giờ 45 phút sẽ trình diễn 10.500 drone chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025). Tuy nhiên, thành phố đã thay đổi kế hoạch, trình diễn ngay trong tối 30/4.

Đáng chú ý, trong buổi trình diễn tối 30/4, do nhiễu sóng diện rộng, có khả năng mất an toàn khi bay, để bảo đảm an toàn bay, đơn vị tổ chức quyết định dừng bay và thu hồi drone.

Hãy tạo ra một cộng đồng lành mạnh và chia sẻ kiến thức với nhau nhé.

Thông Báo Mới