Hiện Lotus Chat đang xếp trên cả các ứng dụng phổ biến như Facebook Messenger hay Zalo. Trước đó vài ngày Lotus Chat vẫn còn đứng ở vị trí thứ 11.
Lotus Chat vươn lên top 3
Lotus Chat, nền tảng nhắn tin do người Việt phát triển, bất ngờ được quan tâm trong bối cảnh nhu cầu sử dụng app chat tăng cao.
Trên gian hàng ứng dụng App Store của Apple, Lotus Chat hiện đang xếp thứ 3 về số lượng người dùng tải xuống trong danh mục Mạng xã hội, vượt qua những cái tên quen thuộc khác như Facebook Messenger hay Zalo. Trước đó vài ngày Lotus Chat vẫn còn đứng ở vị trí thứ 11.
Trong danh mục Liên lạc của Google Play – gian hàng ứng dụng trên nền tảng Android, Lotus Chat cũng đang xếp ở vị trí thứ 7 về mức độ phổ biến, dù trước đó chưa vào top 10.

Trên các hội nhóm Facebook và các bài đăng trên mạng xã hội Threads, Lotus Chat cũng trở thành chủ đề thảo luận với những câu hỏi liên quan đến tính khả thi của ứng dụng này trong việc sử dụng như một app chat liên lạc cũng như hỗ trợ công việc hàng ngày.
Nhiều ý kiến nói rằng đang dùng thử Lotus Chat và sẽ sử dụng lâu dài nếu đáp ứng được nhu cầu.

Lotus Chat được giới thiệu chính thức từ tháng 10 năm ngoái, là nền tảng hội tụ nhiều ưu điểm từ các app nhắn tin khác trên thị trường, đồng thời tích hợp thêm các tính năng độc quyền tăng cường về bảo mật, tối ưu hiệu quả công việc mà nhiều ứng dụng khác không có.
Ngoài việc có đầy đủ các tính năng cơ bản của một ứng dụng chat như kết bạn, nhắn tin, gọi điện - Lotus Chat cũng có cơ chế lưu trữ tin nhắn trên server, khả năng đồng bộ liền mạch trên nhiều thiết bị, hỗ trợ gửi file lên đến 1GB và các tính năng bảo mật mới như bí danh, chặn chia sẻ thông tin ra bên ngoài, che ảnh đã gửi, đoạn chat bảo mật, tự xóa tin nhắn hoặc chống xóa sửa tin nhắn…
Lotus Chat ra đời với định hướng tăng cường an toàn cho người dùng trong môi trường mạng ở Việt Nam còn nhiều rủi ro như hiện nay.
Cuộc đảo chiều bất ngờ
Ngoài Lotus Chat, một số ứng dụng vốn ít được người Việt sử dụng trước đây như WhatApps hay Signal cũng được quan tâm trở lại khi lần lượt xếp thứ nhất và thứ hai trên bảng xếp hạng App Store về lượt tải xuống. Đây là cuộc đảo chiều đáng chú ý vì trước đó, các ứng dụng này thường chỉ nằm ngoài top 10.
WhatApps có hơn 2 tỷ người sử dụng trên thế giới và là nền tảng nhắn tin lâu đời thuộc Meta (chủ sở hữu Facebook), rất phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á, châu Phi nhờ giao diện dễ sử dụng, tính năng cơ bản, có thể dùng trên nhiều thiết bị.
Dù vào Việt Nam từ hơn 10 năm trước, ứng dụng này không được sử dụng nhiều. Người Việt ưa chuộng Facebook Messenger hơn vì được tích hợp vào mạng xã hội cùng tên.

WhatApps cũng nổi bật với khả năng gọi điện, nhắn tin mượt mà, khả năng hỗ trợ cộng đồng lớn, bảo mật đầu cuối và tính năng gửi file hỗ trợ công việc ở mức khá tốt.
Trong khi đó, Signal là cái tên lạ lẫm nhất trong số này khi không được nhiều người biết đến ở Việt Nam. Signal không phải là ứng dụng nhắn tin quá phổ biến trên thế giới, thậm chí chính cả người Mỹ cũng không quá quen thuộc.

Nền tảng hiện có khoảng 70 triệu người dùng vào năm 2024, chỉ bằng một phần nhỏ trong số 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng của WhatsApp hay vài trăm triệu của Facebook Messenger.
Cũng có các tính năng nhắn tin, gọi điện, gọi video tương tự mọi ứng dụng nhắn tin khác, Signal nổi bật là nền tảng nhắn tin mã hóa đa năng để trò chuyện trên một kênh an toàn với nhiều người cùng lúc.
Signal chỉ trở thành tâm điểm chú ý trên thế giới gần đây, khi tổng biên tập của một tờ báo vô tình được thêm vào nhóm trò chuyện Signal nơi các quan chức cấp cao trong chính quyền Donald Trump thảo luận về việc ném bom Yemen.
Việc sử dụng Signal để thảo luận về các hoạt động quân sự nhạy cảm làm nổi bật lên tính bảo mật cao của ứng dụng này khi được giới chức Mỹ ưa chuộng thay vì các ứng dụng nhắn tin quen thuộc.