Hơn 1 tỷ USD chip AI của Nvidia bị tuồn lậu vào Trung Quốc: Mỹ siết, chợ đen vẫn nóng rực

Dù Mỹ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu chip AI tiên tiến, thị trường chợ đen tại Trung Quốc vẫn hoạt động sôi nổi với giá trị giao dịch vượt mốc 1 tỷ USD chỉ trong 3 tháng.

Hơn 1 tỷ USD chip AI của Nvidia bị tuồn lậu vào Trung Quốc: Mỹ siết, chợ đen vẫn “nóng rực” - Ảnh 1.

Một phân tích mới đây từ Financial Times cho thấy ít nhất 1 tỷ USD giá trị chip xử lý AI cao cấp của Nvidia đã được chuyển tới Trung Quốc trong ba tháng sau khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt hơn. Thực tế này đã phơi bày những giới hạn trong nỗ lực của Washington nhằm ngăn chặn tham vọng công nghệ cao của Bắc Kinh.

Loại chip được tìm kiếm nhiều nhất là Nvidia B200, vốn bị cấm bán cho Trung Quốc nhưng lại đang được bày bán rộng rãi tại thị trường chợ đen tại quốc gia này. Đây là loại chip được sử dụng bởi các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như OpenAI, Google và Meta để huấn luyện các hệ thống AI thế hệ mới.

Hơn 1 tỷ USD chip AI của Nvidia bị tuồn lậu vào Trung Quốc: Mỹ siết, chợ đen vẫn “nóng rực”- Ảnh 1.Tài liệu mà Financial Times thu thập được cho thấy các nhà phân phối tại Trung Quốc bắt đầu cung cấp chip B200 cho các trung tâm dữ liệu phục vụ các doanh nghiệp AI Trung Quốc từ tháng 5 - không lâu sau khi chính quyền Trump siết lệnh cấm với dòng chip H20, phiên bản yếu hơn được Nvidia thiết kế riêng cho thị trường Trung Quốc nhằm đáp ứng các quy định từ thời Tổng thống Joe Biden.

Theo giới luật sư, việc mua bán các chip Nvidia bị hạn chế ở Trung Quốc là hợp pháp nếu nộp đầy đủ thuế quan. Tuy nhiên, bên bán và vận chuyển từ Mỹ sang Trung Quốc sẽ vi phạm luật xuất khẩu của Mỹ.

Đáng chú ý, sau thông báo gần đây của CEO Nvidia Jensen Huang rằng chính quyền Trump sẽ cho phép tiếp tục bán chip H20 tại Trung Quốc, hoạt động buôn bán chợ đen chip B200 đã giảm nhiệt. Dẫu vậy, các dòng chip bị cấm như B200, H100 và H200 vẫn được rao bán công khai trên mạng xã hội Trung Quốc.

Một trong những nhà phân phối chip B200 lớn nhất tại Trung Quốc là công ty có tên "Gate of the Era" có trụ sở tại tỉnh An Huy. Công ty này được thành lập vào tháng 2, cùng thời điểm xuất hiện tin đồn về khả năng Mỹ sẽ ngừng bán chip H20. Các sản phẩm được công ty này cung cấp là các "rack" dữ liệu được lắp sẵn 8 chip B200, phần mềm và linh kiện kèm theo, có thể cắm trực tiếp vào trung tâm dữ liệu.

Mỗi rack như vậy có giá từ 3 đến 3,5 triệu Nhân dân tệ (tương đương khoảng 489.000 USD), vẫn cao hơn khoảng 50% so với giá trung bình sản phẩm tương đương tại Mỹ. Tính từ giữa tháng 5, Gate of the Era được cho là đã nhận ít nhất hai lô hàng với hàng trăm rack và bán lại cho nhiều đơn vị khác, đạt tổng giá trị khoảng 400 triệu USD.

Hơn 1 tỷ USD chip AI của Nvidia bị tuồn lậu vào Trung Quốc: Mỹ siết, chợ đen vẫn “nóng rực”- Ảnh 2.

Gate of the Era thuộc sở hữu của một nhóm công ty có cùng tên, đăng ký tại Thượng Hải, và có cổ đông lớn là công ty giải pháp AI mang tên China Century. Trên website, China Century quảng bá có hơn 100 đối tác kinh doanh, bao gồm các tên tuổi lớn như AliCloud, Baidu Cloud và từng liệt kê cả ByteDance Huoshan Cloud trước khi gỡ bỏ sau khi được Financial Times liên hệ.

China Century khẳng định không có hoạt động liên quan đến chip Nvidia và chỉ tập trung vào giải pháp "thành phố thông minh". Trong khi đó, Huoshan Cloud tuyên bố không mua chip Nvidia và đang xử lý việc logo công ty bị sử dụng trái phép.

Trụ sở đăng ký của Gate of the Era hiện nằm trong một khu công nghiệp do chính phủ quản lý, chuyên về mật mã học. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Financial Times, công ty vẫn chưa dọn đến văn phòng mới này, trong khi địa chỉ cũ đang do một đơn vị bất động sản chiếm dụng và phủ nhận mọi liên quan.

Nhiều chip B200 được bán bởi Gate of the Era có nguồn gốc từ Supermicro - một nhà sản xuất máy chủ của Mỹ. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy Supermicro hay các công ty như Dell, Asus có liên quan đến hoạt động buôn lậu. Các công ty này đều khẳng định tuân thủ nghiêm ngặt luật xuất khẩu của Mỹ và có biện pháp xử lý nếu đối tác vi phạm.

Tại Trung Quốc, các rack chip Nvidia thậm chí còn được chào bán công khai trên mạng xã hội như Douyin, Xiaohongshu. Một số nhà phân phối còn cho khách hàng kiểm tra và dùng thử tại chỗ trước khi giao hàng.

Bên cạnh B200, các dòng chip tiên tiến hơn như GB200 và cả dòng nâng cấp B300 (dự kiến sản xuất hàng loạt vào quý IV/2025) cũng được quảng bá. Một số nhà phân phối cho biết đã bán 10 rack GB200 với giá gần 5,6 triệu USD mỗi chiếc, dù chưa thể xác minh độc lập thông tin này.

Giới chuyên gia nhận định rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ chỉ khiến thị trường chip lậu tại Trung Quốc trở nên kém hiệu quả hơn về mặt kinh tế và kỹ thuật, chứ không thể ngăn được dòng chảy của các sản phẩm công nghệ cao.

Một phần nguyên nhân khiến các công ty công nghệ lớn tại Trung Quốc không thể trực tiếp mua chip lậu là do rào cản pháp lý và thiếu dịch vụ hậu mãi từ Nvidia. Do đó, khách hàng chủ yếu hiện nay là các trung tâm dữ liệu trung gian hoặc công ty nhỏ trong các lĩnh vực công nghệ, tài chính và y tế. Một số đơn vị nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ cũng tìm đến các nguồn cung này.

Dù quy mô nhỏ hơn nhiều so với các trung tâm dữ liệu lớn trên thế giới, nhưng hệ thống mua bán vẫn đang tồn tại và phát triển. Sau khi lệnh cấm H20 được nới lỏng, lượng giao dịch chip lậu giảm rõ rệt. Tuy nhiên, theo một số nhà phân phối, nhu cầu với các dòng chip tối tân vẫn luôn hiện hữu.

Cuối cùng, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng Đông Nam Á đang trở thành điểm trung chuyển mới cho các lô hàng chip AI. Mỹ đang xem xét áp thêm lệnh kiểm soát xuất khẩu với Thái Lan, còn Malaysia đã siết quy định từ đầu tháng này nhằm ngăn dòng chảy chip sang Trung Quốc. Tuy nhiên, theo giới trong ngành, kể cả những tuyến đường này bị chặn, các nhóm trung gian vẫn sẽ tìm ra cách vận chuyển thông qua châu Âu hoặc các khu vực chưa bị cấm vận.

"Lịch sử cho thấy: khi lợi nhuận đủ lớn, luôn có người tìm ra đường vòng," một nhà phân phối Trung Quốc khẳng định.

TinVn.Net - Nơi hội tụ thông tin thời sự nhanh chóng và chính thức

Hãy tạo ra một cộng đồng lành mạnh và chia sẻ kiến thức với nhau nhé.

Thông Báo Mới