Dù thu nhập cao nhưng cặp vợ chồng này vẫn thấy khó sống.

2 vợ chồng lương 80 triệu nhưng vẫn thấy áp lực
"Khéo co, vừa ấm" - là câu nói quen thuộc dành cho nhiều gia đình. Bởi đôi khi dù có thu nhập cao nhưng không biết tiết kiệm, chỉ tiêu xài phung phí thì đôi khi cũng không bằng cuộc sống ở những người có thu nhập thấp hơn. Nếu không biết cách chi tiêu trong gia đình, 2 vợ chồng sẽ cảm thấy áp lực và mệt mỏi, đặc biệt khi đối diện với những vấn đề cần nhiều tài chính như mua nhà hay sinh con.
Đó cũng là câu chuyện của cặp vợ chồng có thu nhập 80 triệu/tháng, đang sống ở Hà Nội. Mặc dù có thu nhập cao, thế nhưng cả hai vẫn cảm thấy mệt mỏi khi nghĩ về chuyện mua nhà.

Ảnh minh hoạ.
Cụ thể, người vợ tâm sự như sau:
"Vợ chồng mình 30 tuổi, bằng tuổi, đang làm ở Hà Nội và đi ở thuê. Chúng mình đi học bằng tiền vay nhà nước và học xong đi làm trả nợ lại. Có lẽ là 1 cái duyên 2 đứa nhà nghèo gặp nhau và đến với nhau.
Sau ra trường ngoài trả nợ học, chồng mình dồn tiền trả nợ sửa nhà ở quê trong mấy năm (khoảng 200 triệu), sắm sửa những đồ dùng mới cho nhà (tivi, máy giặt, bếp núc…). Mình thì cho đến trước khi lấy chồng cũng chỉ dư được tiền 1 phần để lấy chồng, vì thu nhập mình không cao và mình cũng chi tiêu ở nhà khá nhiều so với thu nhập của mình.
Mình hiểu nhiều người kinh doanh được mà nền tảng gia đình không có gì và nói rằng ai cũng kinh doanh được. Việc lấy gia đình không ai kinh doanh ra chỉ là cái cớ. Nhưng thực sự nhiều việc nó là cái duyên, chúng mình không thể nghĩ được cơ hội kinh doanh gì. Chắc là chúng mình bị chậm tư duy kinh doanh.
Chúng mình đi làm công ty, lương cả 2 vào cỡ 80 triệu/tháng. (Chồng mình 55, mình 25). Chồng mình có job ngoài cỡ 20-25 triệu/tháng nữa (không ổn định). Tổng là 100 triệu/tháng. Đóng thuế và bảo hiểm các thể loại thì thu nhập chỉ còn khoảng 75-80 triệu.
Chúng mình nai lưng đi làm, phấn đấu từ ngày mới ra trường lương 10-15 triệu nên chúng mình hiểu những điều phải cố gắng, nhọc nhằn để có được như vậy. Mình nghĩ đây là mức mà rất nhiều người giống như chúng mình.
Chúng mình có 1 cháu nhỏ. Chúng mình giờ chưa nhà cửa, vẫn phụ giúp về nhà nên không có dư dả gì. Chúng mình chi tiêu như sau:
1. Tiền thuê nhà: 7 triệu.
2. Tiền ăn: 6-7 triệu (chúng mình ăn ngoài khá nhiều), khó cắt tiền ăn vì thèm ăn và ăn cho có sức đi làm.
3. Xăng xe: 500k.
4. Gửi về quê nhà: 5 triệu.
5. Quần áo - mỹ phẩm: 500k (lấy trung bình vì vài tháng, hết đồ mới mua). Mình thuộc tuýp người không sắm sửa cho bản thân nhiều.
6. Con nhỏ 1 tuổi (1 cháu): 5-7 triệu.
Thi thoảng có khoản phát sinh không tên mà không lường được (ví dụ cưới, hỏi người nhà, bạn bè)… khoảng 20-30 triệu/năm.
Chúng mình để tiết kiệm khoảng 45 triệu/tháng và tích cóp mua nhà Hà Nội. Như vậy phải 6-8 năm nữa chúng mình mới mua được nhà 3.5-4 tỉ (4 năm nữa có thể cái nhà 4 tỷ đấy nó nâng lên thành 5-6 tỷ). Xác định mua thì cũng 2 chúng mình 100%, 2 bên không hỗ trợ được gì.
Với giá nhà Hà Nội leo thang thế này thì biết bao giờ mua được, trong khi không thể cắt chi tiêu (chi tiêu ngày càng tăng do con lớn và sinh thêm cháu). Không thể nâng thu nhập đột phá lên bằng kinh doanh được. Sống thật sự mệt mỏi" .


Cặp vợ chồng áp lực vì việc mua nhà Hà Nội. Ảnh minh hoạ.
Bên dưới bài đăng, nhiều người chia sẻ với bài đăng của người vợ. Trong đó, đa số đều nhận xét cặp vợ chồng đang có mức thu nhập đáng mong ước - 80 triệu/tháng. Cả hai có điểm đáng khen khi cố gắng đi lên bằng bàn tay trắng, không cần nhờ sự hỗ trợ của gia đình.
Người vợ cảm thấy mệt mỏi vì số tiền bỏ ra khi mua nhà ở Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều người khuyên cặp đôi rằng không nên đợi đến khi tích luỹ đủ 100% số tiền mua căn nhà thì mới mua. Cả hai cứ mua khi đã có khoảng 60-80% giá trị căn nhà, và với tổng thu nhập của cả hai thì hoàn toàn không quá áp lực với việc trả lãi.
Dưới đây là một số bình luận nổi bật:
- "Có tầm 50% thì mạnh dạn vay ngân hàng phần còn thiếu, chứ đợi đủ tiền thì giá trị bất động sản lại khác rồi. 2 vợ chồng bạn tháng gần trăm triệu mà than, chứ nhiều người vẫn tự lực cánh sinh, không nhận hỗ trợ từ gia đình mà họ vẫn có này có kia đó thôi. Còn về ý tưởng kinh doanh là do 2 vợ chồng bạn thiếu trải nghiệm thực tế nên không biết nhu cầu ngoài xã hội đang có những cơ hội nào. Toàn thời gian 2 bạn dành hết cho làm công ăn lương thì làm gì có thời gian để quan sát những thay đổi ngoài xã hội."
- "Tại sao 6-8 năm nữa mới mua nhà. Giờ bạn tìm mua dự án thanh toán theo tiến độ. Có tiền thì vào, nhịp nào thiếu thì vay, chứ cứ chờ đủ mới mua thì giá nhà tăng tính sao? Đôi khi có nợ mới có động lực kiếm tiền và tiết kiệm chi phí hơn".
- "Thu nhập của nhà bạn khá là cao. Để có sẵn 1 cục tiền vài tỷ mua nhà thì hơi khó, nhưng để vay ngân hàng mua nhà rồi trả dần thì không khó so với thu nhập nhà bạn.. Đôi khi phải có áp lực thì mới có nhà được ".


Ảnh minh hoạ.
Những lưu ý khi vợ chồng quyết định mua nhà
Mua nhà là một trong những quyết định quan trọng nhất của các cặp vợ chồng, không chỉ vì giá trị tài chính lớn mà còn bởi nó gắn liền với ước mơ "an cư lập nghiệp" Nếu không cân nhắc cẩn thận, quyết định này có thể dẫn đến áp lực nợ nần hoặc bất hòa. Vậy suy tính đến chuyện mua nhà, 2 vợ chồng nên cân nhắc trước những điều cơ bản sau!
1. Đánh giá khả năng tài chính của 2 vợ chồng
Trước khi mua nhà, vợ chồng cần đánh giá kỹ lưỡng thu nhập, chi tiêu và khả năng chi trả để đảm bảo không rơi vào tình trạng nợ nần quá tải. Hãy tính tổng thu nhập hàng tháng, các khoản chi cố định (sinh hoạt, nuôi con), và số tiền có thể dành cho trả góp. Đánh giá thực tế giúp vợ chồng chọn căn nhà phù hợp, tránh việc "cố quá thành quá cố".
2. Thống nhất mục tiêu và loại nhà:
Vợ chồng cần thảo luận rõ ràng về mục tiêu mua nhà - để ở, đầu tư, hay cả hai - và loại nhà phù hợp với nhu cầu (chung cư, nhà phố, đất nền). Hãy cân nhắc các yếu tố như vị trí (gần chỗ làm, trường học), diện tích (60-80m² cho gia đình nhỏ), và tiện ích (an ninh, bãi đỗ xe).
Ví dụ, nếu vợ thích chung cư hiện đại nhưng chồng muốn nhà phố để kinh doanh, cả hai cần liệt kê ưu nhược điểm và so sánh với ngân sách. Thống nhất từ đầu giúp tránh tranh cãi và chọn được căn nhà đáp ứng cả nhu cầu thực tế lẫn ước mơ lâu dài.

Ảnh minh hoạ.
3. Xây dựng kế hoạch trả nợ dài hạn
Mua nhà thường đi kèm với khoản vay ngân hàng trong thời gian dài, vì vậy vợ chồng cần lập kế hoạch trả nợ chi tiết để tránh căng thẳng tài chính. Hãy chọn kỳ hạn vay phù hợp: kỳ hạn ngắn (5-10 năm) giảm tổng tiền lãi nhưng áp lực trả góp cao; kỳ hạn dài (15-20 năm) giảm gánh nặng hàng tháng nhưng lãi nhiều hơn. Thảo luận về cách quản lý nợ - như ưu tiên trả sớm hay giữ quỹ dự phòng - giúp cả hai đồng lòng và giảm rủi ro vỡ nợ.
4. Kiểm tra pháp lý và chất lượng nhà
Một lưu ý quan trọng là kiểm tra kỹ pháp lý và chất lượng căn nhà để tránh rủi ro. Với chung cư, hãy xác minh giấy phép xây dựng, hợp đồng mua bán, và uy tín của chủ đầu tư. Với nhà phố hoặc đất nền, cần kiểm tra sổ đỏ, đảm bảo không tranh chấp hoặc thế chấp. Sự cẩn thận này giúp vợ chồng tránh những chi phí sửa chữa hoặc kiện tụng không đáng có.
5. Thỏa thuận vai trò tài chính
Cuối cùng, vợ chồng cần thỏa thuận rõ ràng về vai trò tài chính trong quá trình mua nhà và trả nợ, đảm bảo cả hai đều đóng góp công bằng. Nếu thu nhập chênh lệch, có thể chia tỷ lệ đóng góp theo thu nhập, như chồng góp 60% (12 triệu đồng/tháng) và vợ góp 40% (8 triệu đồng/tháng) cho khoản trả góp 20 triệu đồng.
Nếu một người tạm nghỉ làm (như vợ nghỉ thai sản), người kia có thể gánh nhiều hơn tạm thời, nhưng cần thảo luận cách bù đắp sau này. Khi gặp áp lực tài chính đôi khi sẽ khiến vợ chồng đối mặt với căng thẳng hôn nhân. Do đó, việc minh bạch về trách nhiệm - như ai quản lý quỹ chung, ai theo dõi hợp đồng vay - giúp tránh hiểu lầm. Thảo luận định kỳ, như mỗi quý, để điều chỉnh kế hoạch khi thu nhập hoặc chi phí thay đổi sẽ giữ cho cả hai đồng hành vui vẻ.