Họ hàng ở quê trước kia từng coi thường bác tôi vì nghĩ bác nghèo, giờ thì ai ai cũng xôn xao bàn tán chuyện về bác Tú.
3 tuần trước, tôi còn đang ngái ngủ thì nhận được cuộc gọi từ số lạ. Đầu dây bên kia là một giọng nữ nghiêm nghị, giới thiệu là thư ký kiêm luật sư của bác Tú, nói rằng bác tôi vừa qua đời do đột quỵ, hiện vẫn đang ở trong nhà xác của bệnh viện, cần người thân đến đưa về.
Nghe đến đó, tôi bàng hoàng đến mức ngồi bật dậy. Bác Tú, người bác ruột mà tôi luôn kính trọng, đã ra đi mà không một lời trăn trối. Tôi vội vàng gọi cho thằng Kiên, em trai tôi, rồi hai anh em bắt chuyến xe sớm nhất lên thành phố.
Được cô thư ký hướng dẫn, anh em tôi hoàn thiện thủ tục ngay trong buổi chiều hôm đó rồi thuê xe cứu thương đưa bác về nhà riêng, nhưng đó không phải là căn nhà nhỏ 2 tầng kiểu cũ mà chúng tôi vẫn thường lên thăm bác. Cô thư ký lái xe đi trước, dẫn đường cho chúng tôi tới một căn biệt thự 3 tầng nằm trong một khu đô thị rất đẹp. Chúng tôi cứ ngỡ đi nhầm nhà nhưng không ngờ khi cửa mở ra, tôi nhìn thấy rất nhiều đồ đạc cũ của bác Tú bên trong.
Bác tôi không có vợ con, sống một mình, trước giờ mọi người đều tưởng bác làm bảo vệ cho một công ty gần nhà. Mỗi lần về quê, bác cũng chỉ đi xe khách, mặc bộ quần áo giản dị, chẳng bao giờ thấy bác khoe khoang điều gì.
Nhưng căn nhà này thì hoàn toàn khác với hình ảnh mà tôi vẫn hình dung. Sàn nhà lát gỗ bóng loáng, cầu thang uốn lượn với tay vịn bằng gỗ chạm trổ tinh xảo, trên tường treo đầy tranh phong cảnh đắt tiền. Tôi và thằng Kiên ngơ ngác nhìn nhau, không tin nổi đây là nhà của bác mình. Cô thư ký nói bác Tú chuyển về đây được gần 1 năm, anh em tôi cả năm qua chưa lên thăm bác nên không biết cũng phải. Đến lúc này chúng tôi mới giật mình khi không ngờ bác còn có cả thư ký là luật sư. Song tất cả tò mò, nghi hoặc đều phải gác lại để lo đám tang cho bác.
Lễ tang diễn ra lặng lẽ, ngoài hai anh em tôi thì chỉ có vài người hàng xóm thân thiết ở khu nhà cũ và một số họ hàng lên. Mọi người xôn xao bàn tán về bác. Hàng xóm khen bác sống tiết kiệm, hòa đồng, họ hàng thì khen bác khiêm tốn, giản dị... Nhưng tất cả mọi người đều bất ngờ khi bác sống trong căn biệt thự này.
Sau khi hỏa táng và đưa bác về nơi an nghỉ cuối cùng, luật sư mời 2 anh em tôi vào phòng làm việc của bác để đọc di chúc. Tôi vẫn nghĩ chắc bác để lại vài món đồ kỷ niệm. Nhưng khi tập hồ sơ được đặt lên bàn, tôi và em trai đều sửng sốt.
Bác Tú để lại cho 2 anh em tôi toàn bộ tài sản, gồm hai căn nhà - một căn biệt thự 3 tầng mà chúng tôi đang đứng và một căn biệt thự nhà vườn ở ngoại ô, ngoài ra còn có mảnh đất rộng 300m2 ngay gần công viên mới. Tổng giá trị tài sản được ước tính khoảng 52 tỷ đồng. Tôi sững người, còn thằng Kiên há hốc miệng, mãi không thốt nên lời.
Luật sư nói tiếp, trong di chúc, bác Tú dặn dò rất kỹ rằng 2 anh em tôi phải chia nhau tài sản này, không được bán đứt để chia tiền, mà phải biết gìn giữ. Bác còn viết một lá thư tay, bảo rằng cuộc đời bác đã trải qua nhiều khó khăn, từ một cậu thanh niên nghèo rời quê lên thành phố lập nghiệp, phải làm đủ mọi nghề từ phụ hồ, bốc vác, bảo vệ mới tích cóp được số tài sản và chuyển hướng kinh doanh. 2 năm trước, bác đã bán công ty, dùng tiền mua nhà đất dự định để làm tài sản cho các cháu thừa kế. Bác sống giản dị, tiết kiệm cả đời chỉ vì mong muốn để lại chút của cải cho các cháu, để các cháu không phải vất vả như bác đã từng. Cô luật sư này trước kia là thư ký của bác, giờ vẫn là luật sư của bác cho tới khi hoàn tất việc trao di chúc và tài sản.
Khi luật sư trao lá thư đó cho tôi, tôi thấy tay mình run run. Sau khi hoàn tất thủ tục nhận tài sản, 2 anh em tôi ra về, lòng ngổn ngang trăm mối. Họ hàng ở quê trước kia từng coi thường bác vì nghĩ bác nghèo. Chỉ có bố tôi là thương bác, thường bảo bọn tôi sang thăm bác, mua cho bác ít đồ, khi thì cái chăn, lúc lại cái áo... Tôi không ngờ, những tình cảm, những việc làm tưởng chừng bé nhỏ đó, giờ đây lại giúp chúng tôi có một khối tài sản khổng lồ. Giờ đây, khi mọi người biết chuyện đều bàn tán xôn xao cả làng quê, ai ai cũng nói về chuyện này, thậm chí có một số cô dì chú bác còn đòi chúng tôi phải chia bớt cho họ vì họ cũng là người trong nội tộc, ruột thịt với bác.
Đêm ấy, tôi không sao chợp mắt. Hình ảnh bác Tú cứ chập chờn trong đầu tôi, cùng những câu chữ trong lá thư bác để lại. Tôi tự nhủ với lòng, sẽ không để bác thất vọng, sẽ sống xứng đáng với sự kỳ vọng của bác, như một lời tri ân muộn màng gửi tới người bác đã khuất.